Mở đầu: Rối loạn huyết áp thai kỳ theo Hiệp hội Sản Phụ hoa Hoa Kỳ năm 2013 được chia thành 5 nhóm: tiền sản giật / sản giật (TSG/SG), tăng huyết áp (THA) mạn tính, TSG trên nền THA mạn tính, THA thai kỳ hoặc THA do mang thai nhưng không bị TSG (THATK) và THA hậu sản. Trong tất cả các y văn từ xưa đến nay đều đưa ra tiêu chuẩn THA như điều kiện tiên quyết chẩn đoán TSG. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp thai phụ có tình trạng THATK đều xuất hiện hội chứng TSG. Nguy cơ TSG của thai phụ càng cao nếu có xuất hiện THATK, và ranh giới chuyển từ THATK sang TSG cũng rất mong manh. Việc tìm kiếm một dấu chỉ khác báo hiệu nguy cơ TSG là rất cần thiết trong bối cảnh chăm sóc sức khỏe hiện nay, khi nhu cầu sàng lọc, tiên đoán và dự phòng bệnh tật ngày càng tăng cao. Yếu tố có liên quan đến tạo mạch và kháng tạo mạch được sử dụng nhiều trên thế giới, và cũng chứng minh hiệu quả của nó trong tiên đoán và chẩn đoán sớm hội chứng TSG qua nhiều nghiên cứu là sFlt-1 (Soluble fms-like tyrosine kinase 1) và PlGF (Placental Growth Factor). Một phần không thể thiếu trong tiến trình đưa ra một tiêu chuẩn tiên đoán sớm TSG dựa vào nồng độ sFlt-1 và PlGF là cần xác định các giá trị bình thường của nồng độ các yếu tố này trong thai kỳ, đặc biệt là giai đoạn ba tháng giữa thai kỳ ở các thai phụ không THA, hoặc THATK nhưng không xuất hiện TSG. Từ đó tạo ra tiền đề để tiến hành phân tích một bước cao hơn, cung cấp giá trị ngưỡng tham chiếu của sFlt-1, PlGF, tỷ số sFlt-1/PlGF phục vụ mục đích tiên đoán TSG. Đề tài: “Nồng độ sFlt-1, PlGF và tỷ số sFlt-1/PlGF vào tuần thai thứ 24-28 ở thai phụ có nguy cơ cao THATK nhưng không xuất hiện hội chứng TSG tại Khoa Phụ sản – Bệnh viện Đại học Y Dược Thành Phố Hồ Chí Minh”. Mục tiêu: Xác định nồng độ sFlt-1, PlGF và tỷ số sFlt-1/PlGF vào thời điểm 24-28 tuần thai ở các thai phụ có nguy cơ cao THATK nhưng không xuất hiện hội chứng TSG, và sự khác biệt của các yếu tố này giữa các thai phụ THATK so với các thai phụ không THA.
Đối tượng nghiên cứu: Tất cả các thai phụ có nguy cơ cao THATK nhưng không xuất hiện TSG cho đến cuối thai kỳ đến khám tại Khoa Phụ sản Bệnh viện Đại Học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh từ 9/2012 đến 8/2013.
Phương pháp nghiên cứu: Sử dụng phương pháp nghiên cứu bệnh chứng lồng trong đoàn hệ.
Cỡ mẫu: Các thai phụ được chọn vào khi đang mang thai từ tuần 24-28 của thai kỳ, không bị TSG theo tiêu chuẩn ACOG (không bị vừa cao huyết áp, vừa tiểu đạm xuất hiện sau tuần lễ thứ 20 của thai kỳ), có nguy cơ cao, và đồng ý tham gia nghiên cứu. Nghiên cứu loại trừ các thai phụ có vấn đề về tâm thần và những thai phụ không hợp tác hoặc tự nguyện bỏ ngang nghiên cứu. Toàn bộ các thai phụ không xuất hiện hội chứng TSG cho đến khi sanh nhưng có tình trạng THATK được chọn vào nhóm bệnh. Tương ứng với mỗi trường hợp bệnh, chọn trong nhóm thai phụ không THATK tương ứng bắt cặp một cách tương đối theo tuổi mẹ với tỷ lệ 1 bệnh : 5 chứng. Nghiên cứu đã tiến hành trên 84 bệnh nhân với tỷ lệ 14 bệnh nhân THATK : 70 thai phụ không THATK. Như vậy, nhóm thai phụ được chọn phân tích là 84 thai phụ. Tuy nhiên, trong quá trình tiến hành xét nghiệm, có 1 mẫu của bệnh nhân THATK bị hỏng. Như vậy nghiên cứu chỉ khảo sát được tổng mẫu là 83 đối tượng, trong đó có 13 mẫu bệnh nhân THATK.
Phương pháp lẫy mẫu: Lấy máu tĩnh mạch tại phòng xét nghiệm, cho vào ống xét nghiệm không có chất chống đông, quay ly tâm với tốc độ 2000 vòng/phút, rút huyết thanh, lưu trữ ở nhiệt độ âm 80oC (phòng xét nghiệm Bộ môn Sinh học phân tử, Đại Học Y Dược TP HCM). Sau khi sản phụ sanh xong, các sản phụ được chọn vào nhóm bệnh, và nhóm chứng. Tiến hành phân tích mẫu máu được lưu trữ của các thai phụ vào tuần thứ 24-28 ở thai phụ không TSG để xác định nồng độ sFlt-1 và PlGF.
Công cụ nghiên cứu: Nghiên cứu sử dụng bảng câu hỏi, hồ sơ bệnh án, hồ sơ quản lý thai kỳ, kết quả khám và xét nghiệm của thai phụ để khai thác thông tin. Số liệu được mã hóa và phân tích bằng phần mềm Stata 12.
Kết quả: Nồng độ sFlt-1, PlGF huyết tương, và tỷ số sFlt-1/PlGF ở tuần thai 24-28 của thai phụ không có hội chứng TSG tập trung tại khoảng trung vị và tứ phân vị lần lượt là 1.388 pg/ml (752-1.892 pg/ml), 533 pg/ml (369-823 pg/ml), và 2 (1,3-3,4). Tuy so với nhóm thai phụ không THA, ở nhóm thai phụ THATK có nồng độ sFlt-1 và PlGF huyết tương thấp hơn, tỷ số sFlt-1/PlGF cao hơn, nhưng sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê với p tương ứng là 0,254, 0,304, 0,475. Có mối tương quan thuận giữa nồng độ PlGF với tuổi của thai phụ trong nhóm chứng là có ý nghĩa thống kê với r=0,298 và p=0,012. Như vậy, nồng độ PlGF tăng dần theo tuổi của thai phụ không THATK.
Kết luận: Nồng độ của sFlt-1, PlGF huyết tương, và tỷ số sFlt-1/PlGF ở tuần thai 24-28 của thai phụ không có hội chứng TSG là rất khác nhau trong các nghiên cứu đã thực hiện trước đây, cũng như so với nghiên cứu của chúng tôi. Chính vì vậy, để đưa ra được giá trị tham chiếu làm cơ sở tiến đến một tiêu chuẩn mới tiên đoán TSG, nghiên cứu tiếp theo cần được tiến hành trên cỡ mẫu lớn hơn, và nhấn mạnh trên cả nhóm không THATK, THATK nhưng không có TSG, và nhóm có hội chứng TSG (sớm, muộn, nhẹ, nặng), trên đối tượng thai phụ VIệt Nam.